Đạo lý tôn sư trọng đạo cần được phát huy trong xã hội hiện đại

Học tri thức học cách làm người thì vai trò của người thầy người cô vô cùng to lớn và tôn sự trọng đạo trong việc ứng xử giao tiếp với những người lái đò tri thức là quan trọng. Cùng Tophaynhat.com đồng hành với phụ huynh học sinh qua bài viết dưới đây về tìm hiểu vấn đề tôn sư trọng đạo trong môi trường giáo dục.


Nội dung bài viết

  • 1 1. Dàn ý chi tiết về tôn sư trọng đạo
  • 2 2. Bài văn nghị luận về tôn sư trọng đạo

1. Dàn ý chi tiết về tôn sư trọng đạo

1.1 Mở bài

Dẫn dắt để giới thiệu về truyền thống quý báu tôn sư trọng đạo này của dân tộc. Một số câu thơ hay về đạo lí “tôn sư trọng đạo” như:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

“Không thầy đố mày làm nên”

“Học thầy không tầy học bạn”

“Tam nhân đồng hành tất hữu vi sư”

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

“Trọng thầy mới được làm thầy”

Người thầy đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Thầy cô không chỉ là người cho ta kiến thức mà còn dạy ta cách làm người. Chính bởi vậy, tôn trọng thầy cô, biết ơn những công sức mà thầy cô đã dành cho thế hệ học trò chính là nét đẹp tâm hồn của con người, cũng là làm đúng đạo nghĩa từ ngàn đời nay.

1.2 Thân bài

*Giải thích tôn sư trọng đạo là gì: Tôn sư trọng đạo là tôn trọng thầy cô, kính trọng, biết ơn người đã có công dạy dỗ mình nên người

*Ý nghĩa của tôn sư trọng đạo: Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời.

Tôn sư trọng đạo là đạo nghĩa của một người có đạo đức tốt, phẩm chất tâm hồn đẹp.

*Biểu hiện của tôn sư trọng đạo

-Trong lịch sử: Tôn sư trọng đạo thể hiện ở đạo nghĩa thầy trò, học trò luôn kính trọng thầy giáo, người thầy được xem là biểu hiện của chuẩn mực và khuôn phạm đạo đức.

-Trong cuộc sống hiện nay: Tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc người học trò luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ, lễ phép, tôn trọng thầy cô giáo. Thêm vào đó, người học trò trong xã hội hiện đại, thời đại công nghệ 4.0 còn coi thầy cô là người anh, người, chị, người cha, người mẹ để chia sẻ, tâm sự những câu chuyện, khúc mắc trong cuộc sống.

*Dẫn chứng

-Dẫn chứng về những người thầy giỏi trong lịch sử dân tộc

-Dẫn chứng về biểu hiện của tôn sư học đạo

*Mở rộng:

Những biểu hiện không tôn sư trọng đạo: không tôn trọng thầy cô giáo, không lễ phép, thường xuyên trốn học, vi phạm nội quy, làm phiền lòng thầy cô. Khi đã ra trường thì quên thầy, không nhớ về người đã có công dạy dỗ mình.

Người giữ được nét đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo có một cuộc sống tốt đẹp, thành công trong cuộc sống.

1.3 Kết bài

Ý nghĩa to lớn của truyền thống tôn sư trọng đạo.

2. Bài văn nghị luận về tôn sư trọng đạo

2.1. Bài văn tôn sư trọng đạo số 1

Tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xã hội ngày càng hiện đại, không tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt của các yếu tố bên ngoài tác động vào tâm lý cũng như nhân cách đạo đức các bạn trẻ. Vấn đề về việc rèn luyện đạo đức học đường luôn nhận được sự quan tâm lớn của mọi người và truyền thống tôn sư trọng đạo cũng thế. Để hiểu rõ hơn trước tiên chúng ta cần hiểu tôn sư trọng đạo là gì?

Tôn sư trọng đạo được hiểu rõ khi tìm hiểu cụ thể từng vế tôn sư và trọng đạo. Tôn sư nghĩa tôn trọng, kính trọng và đề cao người thầy dạy học, dạy nét chữ nét người, người truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Trọng đạo thể hiện qua việc trọng là tôn trọng, coi trọng và đạo là đạo lý, con đường làm người, đạo đức. Tôn sư trọng đạo được hiểu cụ thể là sự tôn kính của người học trò đối với người mang lại tri thức cho mình, coi trọng tri thức của bản thân đồng nghĩa với việc coi trọng người thầy người cô. Vai trò của thầy cô là quan trọng đối với tri thức của các bạn và các bạn là người tiếp nối tri thức mà thầy cô truyền đạt với tinh thần ham học hỏi và lòng biết ơn cao.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta truyền lại từ thời xa xưa thể hiện qua sự hiếu học của các sĩ tử thời xưa, thể hiện qua các kỳ thi quan trọng, thi tú tài, thi quan chức, đậu bảng danh đem lại niềm tự hào cho người thầy. Ngày này, truyền thống đó càng phải được phát huy và đó là lý do tại sao phải tôn sư trọng đạo. Tôn trọng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc cũng như tôn trọng những thành quả công lao trong nghề nhà giáo.

Tôn sư trọng đạo là cần thiết thể hiện sự kính trọng đối với người thầy, người cô. Thầy cô là người dù đứng trước khó khăn không chỉ về kiến thức, về cuộc sống mà không ngừng trau dồi bản thân, mang những kiến thức hay, lý lẽ phải tới những mầm non tương lai của cuộc sống. Cuộc sống hiện đại vai trò của thầy cô luôn được đề cao, phải có sự kính trọng, biết ơn tới những người làm nghề nhà giáo thì các bạn trẻ mới biết trân trọng công sức của thầy cô, cha mẹ hay của chính bản thân các bạn bỏ ra.

Xem thêm:  Top những trung tâm tiếng Anh uy tín tại Hà Đông hiện nay

Tôn sư trọng đạo còn thể hiện dân tộc ta là một dân tộc hiếu học cao, tôn vinh nghề nhà giáo chứng tỏ dân tộc ta là dân tộc luôn tiến đầu về tri thức và giáo dục thế hệ. Sự nghiệp trồng nghiệp luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhà nước, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực làm cho xã hội phát triển hơn. Như ông cha ta có câu “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, khẳng định được “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu” Tất cả những yếu tố đó đều liên quan đến truyền thống tôn sư trọng đạo và nâng cao trách nhiệm trong việc tôn sư trọng đạo là cần thiết.

Rèn luyện tốt đạo đức tôn sư trọng đạo giúp các bạn chau đòi bản thân về kỹ năng sống tốt, khi biết kính trên đối với người lớn tuổi cũng như biết tôn trọng người thầy người cô của mình, giúp các bạn luôn có một tâm lý thoải mái và tích cực trong học tập, mối quan hệ giữa thầy cô và học trò luôn có sự gần gũi với nhau và kết quả đem lại cao.

Tôn sư trọng đạo cần thiết trong việc phát triển khả năng bản thân ở mỗi lĩnh vực. Kiến thức bản thân là chưa đủ, rèn luyện đạo đức cũng cần có trong quá trình học tập của các bạn trẻ và tôn sư trọng đạo là đạo lý cần thiết đối với học sinh sinh viên. Tôn sư trọng đạo còn giúp các bạn trong việc biết trân trọng cũng như biết yêu thương gia đình mình hơn, tôn trọng người dạy dỗ mình người nuôi nâng mình thể hiện qua ý thức thái độ không ngừng học tập và kết quả cao là sự thể hiện lòng biết ơn tới thầy cô, cha mẹ.

Tôn sư trọng đạo là đạo lý tốt đẹp cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Có rất nhiều cử chỉ hành động đẹp biểu hiện của tôn sư trọng đạo. Đối với các bạn trẻ có ý thức cũng như có sự nhận thức đúng đắn về vai trò của thầy cô thì những hành động với suy nghĩ tốt đẹp trong môi trường giáo dục là thường thấy rõ. Bên cạnh đó cũng có một số biểu hiện các bạn trẻ không nhận thức được vai trò của việc học tập nên sự tôn trọng trong tiếp thu kiến thức là không có, tôn trọng thầy cô cũng không được nâng cao. Vấn đề cần được phê phán và lên án đối với trường hợp thiếu lễ phép với thầy cô.

Biểu hiện tốt của tôn sư trọng đạo, biểu hiện của tôn sư trọng đạo thể hiện rõ nhất ở kết quả học tập của các bạn trẻ. Tình cảm, thái độ hành động đối với thầy cô. Chỉ cần những hành động nhỏ của học sinh như lắng nghe thầy cô giảng dạy trên lớp, tập trung tiếp thu kiến thức, chào hỏi lễ phép khi gặp thầy cô giáo, biết lắng nghe sự đóng góp ý kiến của thầy cô.

Biểu hiện của tôn sư trọng đạo còn thể hiện ở việc thực hiện tốt nhiệm vụ của học sinh. Học sinh khi hoàn thành công việc do giáo viên đề ra là đã làm tốt trách nhiệm của bản thân trong việc học tập. Tôn sự trọng đạo là khi làm cho thầy cô hài lòng về kết quả mà các bạn học sinh mang lại, biết ơn về những kiến thức mà thầy cô truyền đạt cho các bạn, tất cả đều mang lại lợi ích cao. Thành công của các bạn là phần lớn trong việc thể hiện sự tôn sư trọng đạo, giáo dục là trách nhiệm của giáo viên và học sinh khi rèn luyện bản thân hoàn hảo thì giáo viên cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình và mang lại những nhân tài cho đất nước.

Biểu hiện của tôn sư trọng đạo còn thể hiện ở việc giúp đỡ thầy cô giáo khi cần thiết. Giúp đỡ thầy cô ở đây là sự giúp đỡ về tinh thần, về vật chất. Sự động viên an ủi thầy cô khi thầy cô gặp khó khăn hay sự tâm sự với thầy cô không chỉ trong học tập mà ngoài cuộc sống hàng ngày.

Tôn sư trọng đạo còn được biểu hiện qua các câu tục ngữ mang giá trị cao như bài học đầy ý nghĩa và sâu sắc cho các bạn trẻ như “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay câu “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” Những câu tục ngữ hay câu ca dao ngắn nhưng nội dung mang lại thể hiện rõ giá trị của người thầy trong việc truyền đạt tri thức của bạn trẻ. Có thể thấy, nếu trẻ là trang giấy trắng thì người cầm bút viết lên những tờ giấy trắng ấy chính là thầy cô giáo.

Biểu hiện tốt đẹp của tôn sư trọng đạo còn thể hiện qua hành động tôn vinh biết ơn vào ngày đặc biệt – ngày nhà giáo Việt Nam. Ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân với một niềm kính trọng biết ơn đối với nghề dạy học cao quý. Hình ảnh cha mẹ học sinh tặng hoa thầy cô trong ngày 20/11 và cả hành động những cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước đến thăm hỏi và thể hiện tình yêu thương tới những thầy cô giáo cũ đã về hưu. Tất cả đều nói lên truyền thống và đạo lý cao đẹp, đó không chỉ là đạo lý tình cảm mà còn là tinh thần sức mạnh hành động cách mạng để đưa đất nước đi lên ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Xem thêm:  Màu sắc trong tiếng Anh – Từ vựng về màu sắc trong tiếng Anh


Một số biểu hiện không tôn sư trọng đạo

Xã hội không ngừng phát triển học tập luôn là vấn đề được quan tâm, giáo dục trong trường học luôn được nâng cao nhưng vẫn có một số bạn trẻ thiếu sự tôn trọng thầy cô giáo, những người đem tri thức, dạy các bạn nhân cách đạo đức tốt đẹp. Thái độ vô lễ với thầy cô như gặp thầy cô không chào hỏi hay nói chống không với thầy cô, không có sự thừa gửi, cãi lại thầy cô với những lời nói nặng lời, coi thường môn học mà thầy cô dạy vì bản thân mình không thích học môn đó, thiếu ý thức trong học tập… rất nhiều hành động và những cử chỉ không tốt làm tổn thương thầy cô, tâm lý không thoải mái khiến sự truyền đạt kiến thức cũng không đạt hiệu quả cao. Học sinh không biết được vai trò to lớn của thầy cô, không biết được nếu không có thầy cô các bạn không thể làm bất cứ điều gì hay không thực hiện được mong muốn mục tiêu của bản thân. Biểu hiện cụ thể như những hành động sai trái trong thi cử như sử dụng tài liệu, quay cóp trong khi làm bài khi không có ý thức học bài hay không tuân thủ nội quy nhà trường đề ra. Tất cả đều thể hiện sự thiếu tôn trọng thầy cô, thầy cô luôn tin tưởng vào học trò của mình nhưng ngược lại học trò lại mang lại sự thất vọng lớn cho thầy cô. Sự thiếu hiểu biết trong đạo lý không tôn sự trọng đạo được thấy rõ nhất và nó còn gián tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của thầy cô và kết quả học tập của các bạn đi xuống và không đạt được sự mong muốn của phụ huynh

Từ những biểu hiện cả về mặt tích cực và tiêu cực thể hiện ở trên mà mỗi học sinh sinh viên cần có nhận thức đúng đắn trong học tập, trong quá trình tiếp thu kiến thức. Phương pháp để rèn luyện bản thân luôn cần thiết để trau dồi bản thân cả về kiến thức và kỹ năng, cũng như thể hiện được đạo lý tôn sư trọng đạo hoàn hảo nhất.

Nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình, đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà các bạn tiếp xúc và phát triển. Sự giáo dục từ phía gia đình có vai trò quan trọng quyết định nhân cách, đạo đức của mỗi người, đặc biệt đạo đức tôn sư trọng đạo.

Nhà trường cũng phải quan tâm giáo dục đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh ngay từ khi cắp sách đến trường, biết ý thức cao trong việc học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Thầy cô không chỉ truyền tri thức, kỹ năng mà phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, tự rèn luyện bản thân, trách nhiệm với công việc, yêu thương học sinh, có như thế học sinh mới có hứng thú trong việc học tập tốt và tôn sư trọng đạo luôn được đề cao.

Nhà trường cũng như gia đình phải có các quy định xử lý nghiêm các hành vi thiếu tôn trọng, vô lễ, xúc phạm đến phẩm chất nhà giáo, đặc biệt là giáo viên giảng dạy. Các bạn trẻ cũng không ngừng nâng cao tinh thần học hỏi cả về kiến thức lẫn nhân cách ngay khi còn nhỏ, hiểu được vai trò của bản thân trong việc học tập và sự quan trọng của thầy cô giáo trong việc truyền đạt tri thức cho các bạn mà có ý thức tốt hơn, nâng cao đạo đức tôn sư trọng đạo trong nhân cách thế hệ trẻ.

2.2. Bài văn nghị luận về tôn sư trọng đạo số 2

Dân gian ta vẫn thường có câu:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Những câu ca dao ấy đã đề cao vai trò của người thầy trong xã hội. Thầy cô không chỉ là người truyền cho ta những kiến thức, hiểu biết về xã hội mà còn dạy ta nhân cách làm người. Chính bởi sự cống hiến và vai trò to lớn của người thầy mà mỗi thế hệ học sinh đều luôn phải biết yêu quý, kính trọng và biết ơn thầy cô.

Trong xã hội xưa, người thầy luôn được coi trọng, được coi là biểu tượng của “khuôn vàng thước ngọc” có nhân cách đạo đức tốt, giỏi chữ nghĩa để truyền giảng đạo nghĩa nhà Nho cho bao thế hệ học trò trở thành người có đức có tài để ra tay giúp dân cứu nước. Từ những ngày xa xưa, người thầy đã có một vị trí vô cùng quan trọng, người xưa quan niệm có ba vị trí đặc biệt trong xã hội là “Quân-Sư-Phụ”,(nghĩa là vua-thầy-cha), người thầy chỉ đứng sau vua của một nước.

Ngay từ thời vua Hùng, nhà vua đã chú trọng đến việc dạy chữ cho các công chúa, hoàng tử. Vua Hùng thứ 18 rất chú trọng đến việc học hành, cọi trọng truyền thống tôn sư học đạo, tu dưỡng dạo đức và rèn luyện ý chí của con người. Khi thầy cô mất, nhà vua còn cho an táng ngay tại nơi thầy cô đã dạy chữ, hàng năm đều thờ cúng hương hỏa đầy đủ. Chính từ thời bấy đến nay mà truyền thống tôn sư trọng dạo được lưu truyền như một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Ở thời xưa, các gia đình thường không có điều kiện cho con đi học, thường thì những nhà có điều kiện mới cho con đi học chữ, và nếu đi học thì sẽ là nam nhi học sách thánh hiền để đỗ đạt làm quan. Cũng có những người không nhận chức làm quan mà trở về quê nhà để dạy chữ thánh hiền cho trẻ nhỏ. Bởi vậy người thầy phải là người có học thức cao, được nhiều người mến phục.

Xem thêm:  Top 10 bài viết thư cho bạn nước ngoài lớp 3 mới nhất

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” thời xưa thường gắn với tính mô phạm, khuôn phép, học trò tuyệt đối tôn trọng thầy giáo, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, không được có những hành động và lời nói quá trớn hay trêu đùa giống như những người bạn với nhau. Biểu hiện của tôn sư trọng đạo có khi chỉ là gia đình học trò biếu thầy những thức quà quê giản dị. Học trò thì chăm chỉ, lễ phép, gặp thầy phải biết kính cẩn, trang nghiêm.

Ngay đối với Nguyễn Trãi, một anh hùng của dân tộc, cũng đã từng đạt được bao công danh trên chốn quan trường, nhưng mãi đến khi về già, ông vẫn luôn canh cánh trong lòng về “nợ cũ” còn vương trên vai:

“Nợ cũ chước nào báo hổ

Ơn thầy, ơn chúa, liễu ơn cha”

Một số người thầy nổi tiếng trong lịch sử nước ta như thầy Lê Văn Hưu, thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Phi Khanh thời nhà Trần, thầy Trần Ích Phát thời nhà Lê, thầy Nguyễn Bình Khiêm thời nhà Mạc. Thế kỉ XIX ta có thầy Cao Bá Quát là người nổi tiếng với văn hay chữ tốt, thầy Nguyễn Đình Chiểu với quan niệm dạy người cao hơn dạy chữ. Đầu thế kỉ XX, chúng ta có thầy giáo Nguyễn Thức Tự, không những truyền kiến thức mà còn bồi dưỡng cho bao thế hệ học trò lòng yêu nước, trở thành những chí sĩ yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lê Văn Hân, Đặng Thái Thân, Ngô Đức Kế,..

Và một người thầy giáo, cũng là người đã khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Tất Thành với các học trò xuất sắc như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là những tên tuổi làm rạng danh đất nước ta.

Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn giữ một vai trò, vị trí quan trọng, vẫn là chuẩn mực đạo đức và truyền cho học sinh những bài học nhân văn, tốt đẹp. Người thầy trong xã hội hiện đại còn truyền cảm hứng cho học trò, khơi gợi đam mê, lý tưởng sống để học sinh có thể tìm được con đường đúng đắn, có được một tương lai tươi sáng.

Trong thời đại 4.0, công nghệ có nhiều thay đổi nên người thầy vẫn luôn phải trau dồi kiến thức, kỹ năng để nắm bắt những xu hướng mới nhất, thay đổi phương pháp truyền đạt để phù hợp với tâm lí của thế hệ trẻ. Chính bởi vậy mà chúng ta càng thêm khâm phục những người thầy, người cô, không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn, người chị, người cha, người mẹ hiểu tâm lí học sinh, bầu bạn để đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất mỗi khi học trò gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.

Truyền thống tôn sư trọng đạo ở xã hội ngày nay không nhiều biểu hiện khác biệt với thời xa xưa. Tôn sư trọng đạo vẫn thể hiện ở việc học trò tôn trọng thầy cô, biết lễ phép, học tập chăm chỉ để không phụ lòng thầy cô.

Những câu thành ngữ, tục ngữ dân gian về truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn sẽ truyền mãi đến muôn đời như “không thầy đố mày làm nên” có nghĩa dù làm bất cứ việc gì, ta cũng cần phải có người chỉ dẫn thì mới có thể thành công. Hay câu “học thầy không tày học bạn”, người thầy ở đây còn được hiểu rộng ra là người bạn dạy cho ta những hiểu biết, bảo ta phương pháp để làm những việc khác nhau trong cuộc sống.

Như vậy, thầy không chỉ là người thầy trên giảng đường, trong lớp học mà hiểu rộng ra thì thầy còn là người cho ta những bài học quý báu, đôi khi là bạn bè, đôi khi là người đi đường “tam nhân đồng hành tất hữu vi sư” (Trong ba người đi cùng đường ắt có người là bậc thầy của ta). Bất kì ai cũng có thể làm thầy trên con đường đời của ta, và bản thân ta cũng có thể là người thầy của người khắc. Nhưng trước hết “trọng thầy mới được làm thầy” tức là phải học hỏi, trau dồi kiến thức trước đã rồi mới có thể làm thầy người khác được.

Truyền thống Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp nhưng nhiều ngưởi vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của người thầy người cô mà có những biểu hiện không tốt. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã không tôn trọng thầy cô giáo, không chăm chỉ học bài, vi phạm nội quy làm phiền lòng thầy cô. Khi đã ra trường, họ cũng không còn nhớ về những người thầy của mình, nhanh chóng quên đi những ân tình mà thầy cô đã dành cho mình.

Những người giữ cho mình nét đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn đang sống tốt và thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Bởi họ là những người sống ân tình, có trước, có sau nên luôn nhận được sự tôn trọng và kính nể trong xã hội.

Trên đây là dàn bài chi tiết và hướng dẫn viết bài văn về chủ đề tôn sư trọng đạo. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích, giúp bạn học hiểu hơn về truyền thống này và sống đúng đạo nghĩa của người làm trò.

Theo Tophaynhat.com


Bạn đang xem: Đạo lý tôn sư trọng đạo cần được phát huy trong xã hội hiện đại Tại Tieuhocchauvanliem.edu.vn

Chuyên mục: Ngữ Văn – Văn Mẫu

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button