Đề bài: Phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu
Bài làm
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ nổi tiếng bậc nhất trong nền thơ hiện đại Việt Nam, với một phong cách thơ không thể lẫn đi đâu được, một tâm hồn lãng mạng, bay bổng, yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt. Bài thơ Vội vàng được sáng tác trong gian đoạn trước cách mạng tháng Tám là bài thơ tiêu biểu nhất cho hồn thơ và phong cách thơ của Xuân Diệu.
Xuân Diệu là một nhà thơ có cái tôi rất lớn, nhưng là một cái tôi rất khác người, rất mới mẻ, độc đáo. Quan niệm sống và tư tưởng thưởng nghiệm và trải nghiệm cuộc sống của Xuân Diệu cũng hết sức tân tiến. Và nói trong phạm vi nghệ thuật thơ ca thì có thể đưa ra một lời nhận định rằng ông là một nhà thơ rất có sáng tạo trong nghệ thuật, rất có tư tưởng tiến bộ. Qua bài thơ Vội vàng, một trong những bài thơ tiêu biểu của ông, ta có thể thấy được niềm khát khao giao cảm với đời của ông, qua bài thơ cũng giúp cho người đọc thêm hiểu biết về những quan niệm nhân sinh mới, đó là có một tâm thế mãnh liệt với cuộc đời, với sự sống để có thể tận hiến và tận thu tất cả mọi điều trên đời. Cuộc đời cần có nhiều trải nghiệm, cần mạnh mẽ, chủ động cống hiến thì ta mới có thể có nhiều kỉ niệm đẹp với cuộc đời.
Vội vàng chỉ là cách đặt vấn đề và không nên quy chụp cách đặt vấn đề này một cách quá cứng nhắc, khắt khe. Vì vội vàng ở đây không phải là lối nói cổ súy cho cách sống gấp, sống vội mà vội vàng theo quan điểm và phong cách của Xuân Diệu là muốn hướng đến một quan niệm sống hiện đại, quan niệm sống mong muốn con người có thể tích cực thể hiện nhân bản, tích cực thể hiện cái tôi của bản thân mình. Không dễ gì để con người có được một cuộc sống, được hưởng thụ một cuộc đời trọn vẹn, bởi vậy, trong tư tưởng của Xuân Diệu, cuộc đời cũng như thiên đường chốn nhân gian, cần phải biết tận hưởng, cần phải biết hưởng thụ đúng cách.
Chính vì có tư tưởng về cuộc sống, về cuộc đời như vậy, nên Xuân Diệu cũng đem trong lòng mình những ước muốn rất khác người:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”.
Hơn ai hết, Xuân Diệu – một người cống hiên sức sống thanh xuân cho cuộc đời một cách mãnh liệt nhận thức được một cách sâu sắc sự trôi chảy của thời gian, nhà thơ thấy có chút lo âu, hoang mang và khao khát níu giữ được nó để tận hưởng vẻ đẹp đích thực của cuộc sống. Xuân Diệu táo bạo quá, ông muốn đoạt quyền tạo hoá, muốn đi ngược lại sự vận động của thiên nhiên, muốn tự mình nắm giữ điều chỉnh thời gian. Trong trái tim có khát vọng mãnh liệt có quyền để “tắt”, “buộc” dòng chảy của thời gian để có thể lưu giữ lại cái khoảnh khắc của tuổi xuân, mong muốn có đủ thời gian để thỏa mãn lòng khao khát tận hưởng cuộc đời trong tâm hồn nhà thơ.
Phân tích bài thơ Vội vàng
Con người ta vẫn hay thường than vãn về chốn hồng trần là bể khổ, bể bi ai nhưng với Xuân Diệu, dù cuộc đời đôi lúc có chút sóng gió nhưng với ông, nó vẫn là chốn thiên đường đáng hưởng thụ. Không hề có chút cảm giác muốn lánh đời, tất cả những điều Xuân Diệu cần là mong được trải nghiệm thật nhiều. Xuân Diệu không hề thấy sợ hãi cái vòng tuần hoàn sinh lão bệnh tử và trái lại, Xuân Diệu rất hiểu, hiểu rất rõ đồng thời xác định rõ tư tưởng sống của mình, đó là sống hết mình, sống là cho đi đâu đòi hỏi nhận lại bao giờ. Thế giới hiện thực nơi cõi hồng trần của Xuân Diệu luôn bình dị, gần gũi nhưng không kém phần quyến rũ, nên thơ, con người, cảnh vật đều có một số phận riêng, một đặc điểm riêng đáng trân trọng.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
Tuy nhiên, Xuân Diệu cũng hiểu rõ ràng và cũng biết phân định rõ ràng thứ tình cảm, thứ tư tưởng và xúc cảm đang chi phối bản thân mình. Ông vẫn dành cho mình một chút khoảng lặng để nhìn lại cuộc đời:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!”
Điều đó khiến thi sĩ có chút lo âu, nhưng không, đó cũng chỉ là những giây phút cảm xúc lạ thoáng qua. Vì cái chung nhất chi phối tâm hồn ông vẫn là tiếng gọi của cuộc sống thanh xuân. Cũng chính bởi vậy, nhà thơ nhận thức rằng cần phải vội vàng sống để hưởng thụ cho hết những điều tươi đẹp của cuộc đời
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê hương sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Đây không chỉ là lòng ham muốn sống bình thường mà là lòng ham sống một cách mãnh liệt. Đó là một quan niệm nhân sinh tích cực về cuộc đời và cuộc sống. Chẳng phải là chỉ cần người ta nhìn đời bằng ánh mắt nào, người ta sẽ được đáp trả bằng tấm lòng ấy hay sao.
Minh
Nguồn bài viết: Phân tích bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu Tại Tieuhocchauvanliem.edu.vn
Chuyên Mục: VĂN HỌC 11
#vanhoc #vanmauhay #tacgiatacpham #tacphamvanhoc #tieuhocchauvanliem