Phân tích vai trò của những yếu tố kì ảo trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Hướng dẫn
Đề bài: Yếu tố kì ảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho những câu chuyện dân gian. Anh chị hãy phân tích vai trò của những yếu tố kì ảo trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.
I. Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
Giới thiệu về yếu tố kì ảo trong truyện: Truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện như thế, qua những yếu tố kì ảo, tác giả dân gian đã tái hiện đầy sinh động về câu chuyện giữ nước và câu chuyện tình yêu đầy cảm động của Mị Châu và Trọng Thủy.
2. Thân bài
– An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy là câu chuyện về quá trình dựng nước và giữ nước của vua An Dương Vương.
– Yếu tố kì ảo xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, trước hết được thể hiện thông qua hình ảnh của chiếc Nỏ thần.
–> Nỏ thần là vũ khí có sức mạnh khủng khiếp có thể đẩy lùi quân xâm lược của Triệu Đà, là “bảo bối” giữ nước mà thần Kim Quy đã trao tặng cho An Dương Vương.
– Thần Kim Quy (Rùa Vàng) là yếu tố kì ảo được tác giả dân gian đan xen để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm
+ thần Kim Quy cũng thể hiện được tín ngưỡng dân gian của dân tộc, đó là lòng tin vào sự xuất hiện và sức mạnh tuyệt đối của những vị thần.
+ Rùa Vàng còn thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vua An Dương Vương.
– Chi tiết Rùa Vàng hiện lên và mang theo An Dương Vương rẽ nước xuống biển thể hiện sự kính trọng của nhân dân đối với công lao của ông
– Chi tiết kì ảo còn được thể hiện trong chi tiết Ngọc Trai giếng nước.
– Hình ảnh máu của Mị Châu trở thành ngọc trai đã thể hiện sự cảm thông, minh oan cho tấm lòng dại khờ của người công chúa ấy.
3. Kết bài
Thông qua những chi tiết kì ảo, tác giả dân gian không chỉ khoác lên mình những sự kiện lịch sử màu sắc huyền bí đầy hấp dẫn mà còn truyền tải được bao bài học nhân sinh sâu sắc.
II. Bài tham khảo
Sự xuất hiện của yếu tố kì ảo trong những câu chuyện dân gian không chỉ mang đến sự hấp dẫn mà còn tạo ra những giá trị biểu đạt to lớn cho tác phẩm. Truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy là câu chuyện như thế, qua những yếu tố kì ảo, tác giả dân gian đã tái hiện đầy sinh động về câu chuyện giữ nước và câu chuyện tình yêu đầy cảm động của Mị Châu và Trọng Thủy.
An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy là câu chuyện về quá trình dựng nước và giữ nước của vua An Dương Vương. Theo dõi câu chuyện ta có thể thấy yếu tố kì ảo xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm, trước hết được thể hiện thông qua hình ảnh của chiếc Nỏ thần. Nỏ thần là vũ khí có sức mạnh khủng khiếp có thể đẩy lùi quân xâm lược của Triệu Đà, là “bảo bối” giữ nước mà thần Kim Quy đã trao tặng cho An Dương Vương.
Thần Kim Quy (Rùa Vàng) là yếu tố kì ảo được tác giả dân gian đan xen để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm, đồng thời thần Kim Quy cũng thể hiện được tín ngưỡng dân gian của dân tộc, đó là lòng tin vào sự xuất hiện và sức mạnh tuyệt đối của những vị thần. Rùa Vàng còn thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vua An Dương Vương.
Công lao dựng nước của An Dương Vương đã làm cảm động các vị thần, Nỏ thần chính là phần thưởng giúp An Dương Vương bảo vệ cho đất nước, cho cuộc sống yên bình của nhân dân Âu Lạc. Thông qua hình ảnh của Nỏ thần, tác giả dân gian cũng thể hiện được sức mạnh của tinh thần đoàn kết của nhân dân, chính tinh thần đoàn kết đã quét sạch mọi kẻ thù, khiến cho quân Triệu Đà khiếp sợ. Đến cuối câu chuyện, khi Nỏ thần bị đánh cắp cũng là khi An Dương Vương vì quá chủ quan khinh địch mà quên đi sức mạnh của đoàn kết, của tập thể nhân dân nên đẩy Âu Lạc vào thảm cảnh nước mất, nhà tan.
Khi đã phát hiện Nỏ thần bị đánh cắp, An Dương Vương đã mang theo Mị Châu lên ngựa để chạy ra biển. Chi tiết Rùa Vàng hiện lên và mang theo An Dương Vương rẽ nước xuống biển thể hiện sự kính trọng của nhân dân đối với công lao của ông, và trong tiềm thức của nhân dân thì An Dương Vương không chết, ông sẽ mãi bất tử trong thế giới của những vị thần.
Chi tiết kì ảo còn được thể hiện trong chi tiết Ngọc Trai giếng nước. Trong truyện Mị Châu là một cô ái khờ dại, cả tin, vì quá tin tưởng chồng mà vô tình đẩy đất nước vào biển lửa. Trong trách nhiệm của một công chúa, Mị Châu là kẻ nối giáo cho giặc, kẻ phản bội của đất nước, tuy nhiên xét một cách công bằng, mọi chuyện nàng đều không hề hay biết, tất cả đều do quá cả tin. Hình ảnh máu của Mị Châu trở thành ngọc trai đã thể hiện sự cảm thông, minh oan cho tấm lòng dại khờ của người công chúa ấy. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết:
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để lên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”
Ngọc trai giếng nước còn thể hiện sự trong sáng, đẹp đẽ của mối tình MỊ Châu- Trọng Thủy. Tuy mối tình ấy đã mang đến bao bi kịch nhưng đó lại là mối tình đẹp có thể cảm động trời xanh.
Như vậy, thông qua những chi tiết kì ảo, tác giả dân gian không chỉ khoác lên mình những sự kiện lịch sử màu sắc huyền bí đầy hấp dẫn mà còn truyền tải được bao bài học nhân sinh sâu sắc.
Theo Sangtactre.com
Nguồn bài viết: Phân tích vai trò của những yếu tố kì ảo trong truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy Tại Tieuhocchauvanliem.edu.vn
Chuyên Mục: VĂN HỌC 10
#vanhoc #vanmauhay #tacgiatacpham #tacphamvanhoc #tieuhocchauvanliem
Trả lời